Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Nữ giảng viên trẻ trong cuộc chiến giành nuôi con

Chị nhờ người chụp ảnh, quay video cảnh gia đình chồng cũ ngăn cản thăm nuôi con để nhờ toà xem xét, giành quyền chăm sóc bé trai 8 tuổi cho mình.  suc khoe doi song
Hôm 25/11, lần thứ hai chị Thảo với tư cách nguyên đơn cùng chồng cũ là anh Đại - bị đơn ra trước TAND Hà Nội trong phiên xử Tranh chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Phiên phúc thẩm được mở do anh Đại kháng cáo với bản án sơ thẩm, để vợ cũ chăm sóc cậu con trai 8 tuổi.

Bố đẻ của anh Đại cũng có mặt tại toà với tư cách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con trai. Đối diện với hai người từng gắn bó trong một gia đình không còn tình cảm, chị giữ thái độ bình thản, trình bày rành rọt, bảo lưu quan điểm cho rằng quyết định của cấp sơ thẩm là đúng đắn.


Phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của anh Đại.


10 năm trước, tốt nghiệp đại học, chị kết hôn với anh Đại, hơn 5 tuổi và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc dần rạn nứt do những bất đồng và mâu thuẫn khó hàn gắn. Sau hơn 3 năm làm dâu, chị và chồng đưa nhau ra toà giải quyết ly hôn. Phiên xử do TAND quận Đống Đa mở gần cuối tháng 6/2012, thuận tình để hai người chia tay, cùng với phán quyết anh Đại chăm nom con trai gần 3 tuổi, chị Thảo có trách nhiệm chu cấp một triệu đồng mỗi tháng. Hai bên cũng thoả thuận việc hàng tháng chị được thăm nuôi, chăm sóc, đưa đón con trai đi học.

Thời gian đầu, chị được làm bổn phận của người mẹ. Nhưng chỉ vài tháng sau, chị “không thực hiện được quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con do gia đình chồng cũ cản trở bằng nhiều cách”. Do không chịu được cách hành xử đó, cùng với việc gia đình chồng cũ xúi con trai nghĩ sai về mẹ nên năm 2013, chị đã đến toà đề nghị giải quyết. Tòa đã hoà giải và đề nghị anh tạo điều kiện để chị thăm nuôi, đưa đón con.

Chị bảo không muốn phải dẫn nhau đến toà nếu gia đình chồng cũ không tiếp tục ngăn cản việc làm chính đáng của một người mẹ. “Gia đình anh ta không cho tôi đưa đón con”, chị trình bày. Có lần do quá bức xúc vì bị ngăn cản khi đến trường tiểu học đón con, chị đã to tiếng với ban phụ huynh, công an phải đến giải quyết. “Là một người mẹ, tôi chỉ mong cháu sống trong hạnh phúc nhưng gia đình chồng cũ can thiệp quá nhiều đến quyền lợi của tôi”, chị nói.

Chị đã làm đơn đề nghị TAND quận Đống Đa cho mình nuôi con trai. Trước khi đến phiên toà được mở trong tháng 8 vừa qua, để có chứng cứ việc bị ngăn cản thăm, chăm con, chị phải nhờ người chụp ảnh, quay video. Xem xét chứng cứ, lời khai của các bên, Toà chấp thuận thay đổi quyền nuôi con, giao bé trai lúc này đã gần 9 tuổi cho người mẹ. Song, anh Đại và gia đình không đồng tình đã kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm, người mẹ trình bày, hiện chị là giảng viên, có nghiệp vụ sư phạm, có thu nhập ổn định nên hoàn toàn đủ điều kiện chăm sóc con trai. Mặt khác, anh Đại cũng đã lập gia đình và mới có con nhỏ nên ít thời gian quan tâm đến con riêng, còn chị vẫn độc thân…

Anh Đại và bố đẻ có mặt tại toà bác bỏ những điều chị trình bày. Anh cho rằng, trong gần 9 năm qua đã nuôi con chu toàn, năm nào cháu cũng được nhận giấy khen về thành tích học tập, sức khoẻ và cân nặng phát triển bình thường. “Con tôi không chỉ được ăn học mà cần phải có giáo dục, anh ấy là gương xấu cho con trai sau này”, chị phản bác lại lời chồng cũ.

Trước lời lẽ căng thẳng của hai bên đương sự, tòa giảng giải rằng, người lớn đang làm khổ con. Việc giằng xé giữa bố và mẹ, nhiều khi phải nhờ đến cả chính quyền… sẽ hằn sâu trong trí nhớ, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ vô cùng lớn. Mâu thuẫn giữa hai bên sau ly hôn còn khủng khiếp hơn trước ly hôn. “Nếu không thỏa thuận được thì chính con là người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, xấu hổ với bạn bè thậm chí là hận cha mẹ”, HĐXX cho hay.

Sau gần một ngày thẩm vấn và để các bên trình bày, toà phúc thẩm đã giữ nguyên quyết định để chị Thảo chăm sóc con trai. Gương mặt nữ giảng viên 31 tuổi lúc này mới giãn ra, thư thái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét